(Cập nhật: 24/10/2022)
Xây bài đương nhiên là vấn đề quan trọng bậc nhất khi chơi mạt chược rồi. Có ti tỉ tình huống khác nhau mà chúng ta sẽ phải chọn xem đánh quân nào là hợp lí nhất, mà chả có tình huống nào giống tình huống nào. Chưa cần để ý đến các quân đối thủ đã đánh ra cũng đã đủ khó rồi, và chẳng ai dám nói là lúc nào cũng có thể tìm ra được phương án đúng nhất cả.
Tuy nhiên có thể nói chắc chắn là khả năng xây bài của bạn càng vững thì kết quả của bạn sẽ càng tốt.
Vì có rất nhiều tình huống nên những thứ nói trong này không thể đủ được. Cần phải chơi, luyện tập và mắc sai lầm thì mới có thể càng ngày càng giỏi hơn.
1. Block và lí thuyết 5 block
Như chúng ta đã biết thì để hoàn thành bài cần 4 bộ + 1 đôi.
Mỗi nhóm quân đã là bộ hoặc đôi, hoặc có tiềm năng tạo thành một bộ hoặc đôi, được gọi là "block".
Điều đó cũng có nghĩa là bài cần có 5 block để tạo được 4 bộ + 1 đôi.
Ví dụ:
23m, 677m, 133p, 88p và 468s là các block của bài này.
Nói chung block là các nhóm 2 hoặc 3 quân. Trong một số trường hợp đặc biệt ta có thể coi 1 quân là block, đó là khi ta rất muốn tạo bộ từ quân đó.
Bài cần có 5 block, thì sẽ có những lúc bài đang có nhiều hơn, bằng hoặc ít hơn con số 5 này. Trong đa số trường hợp thì cách giải quyết cơ bản của các tình huống trên sẽ là:
- 6 block: Đánh đi block yếu nhất để bài còn 5 block.
- 5 block: Tối ưu hóa 5 block này. Rất đa dạng trong thực tế.
- 4 block hoặc ít hơn: Tăng khả năng tạo thêm block nữa cho đủ 5, thường bằng cách đánh quân lẻ yếu nhất.
Như trong ví dụ ở trên thì khá đơn giản, bài đang có 5 block rồi, ta chỉ đánh đi quân Pei đang thừa đi thôi.
Ở mức độ cơ bản và trung bình, thường ta sẽ hướng về cách tạo 5 block tốt nhất.
2. Các tính chất của bài
Vậy làm sao để ta xác định block hay quân bài nào là yếu hay mạnh?
Mỗi quân bài hay nhóm quân bài sẽ có thể có các tính chất như sau:
- Khả năng giảm shanten. Tức là với quân hay nhóm quân nào đó, nếu bốc được quân phù hợp thì sẽ giảm số shanten của bài.
- Khả năng cải thiện. Tức là với quân hay nhóm quân nào đó, nếu bốc được quân phù hợp thì bài không giảm số shanten nhưng sẽ đẹp hơn bài trước đó. Có 2 loại cải thiện là cải thiện hình dạng (khả năng giảm shanten của bài sau tốt hơn bài trước) và cải thiện giá trị (giá trị bài sau to hơn bài trước).
- Giá trị. Tức là với quân hay nhóm quân nào đó, nếu bốc được quân phù hợp thì giá trị bài sẽ tăng. Có một trường hợp đặc biệt của tính chất này, đó là quân hay nhóm quân có thể đem lại yaku duy nhất để hoàn thành điều kiện có ít nhất 1 yaku. Cũng có 2 loại nhỏ là có giảm shanten (quân có ích vừa giảm shanten vừa tăng giá trị bài) và không giảm shanten (nói cách khác là cải thiện giá trị), sự khác biệt này sẽ được làm rõ ở các bài sau.
- Khả năng phòng thủ. Tức là khả năng quân hay nhóm quân nào đó có thể dùng để phòng thủ về sau.
Ví dụ:
Giả sử lượt 6, vòng Đông 1, cửa Tây. Với bài này chúng ta có các phương án đánh nào?
Dĩ nhiên một cách đơn giản thì đánh Pei thôi nhưng mục đích của ví dụ này là để thử phân tích các tính chất của quân và nhóm quân.
Hãy thử so sánh 2 quân lẻ 7m và Pei.
- Khả năng giảm shanten: đều không có. Bài chỉ giảm shanten khi bốc quân phù hợp để chuyển các nhóm 12m, 34p, 344s, 99s thành bộ.
- Khả năng cải thiện: Nếu giữ 7m thì bốc 6 hoặc 8m là có ryanmen, ta sẽ đánh penchan 12m, lúc này số quân để giảm shanten của ryanmen cao hơn kanchan. Bốc 5m hoặc 9m thành kanchan cũng mạnh hơn 12m. Trong khi đó quân Pei không có khả năng này.
- Giá trị: Nếu giữ 7m, bốc 6m hoặc 8m dễ có Pinfu. Quân Pei không có khả năng này.
- Khả năng phòng thủ: Nếu lúc sau có người Riichi, rõ ràng nếu bạn còn Pei thì sẽ dễ dùng để thủ hơn.
Vậy thì cũng không hẳn là Pei kém hơn về mọi mặt đúng không nào? Thông thường mà nói thì chúng ta vẫn ưu tiên tốc độ của bài mình hơn là khả năng phòng thủ, nên đánh Pei vẫn là phương án đúng mà thôi.
Nhưng giả sử nếu thay penchan 12m bằng ryanmen 23m thì sao? Lúc này bốc 6m hoặc 8m thì cũng chỉ là tạo thêm 1 ryanmen mà thôi, không tạo được block mới mạnh hơn block hiện tại đang có, tức là khả năng cải thiện của 7m không còn. Lúc này thì Pei hơn hẳn ở khả năng phòng thủ về sau, nên đánh 7m mới là phương án tối ưu.
Quay lại ví dụ ban đầu.
Nếu như bạn nói muốn giữ cả khả năng lên ryanmen và Pinfu của 7m, cũng như khả năng phòng thủ của Pei thì sao?
Với suy nghĩ đó, ta có 2 phương án có thể nghĩ đến là 12m và 4s.
- 12m: đánh 12m thì bị tăng 1 shanten. Hãy nhìn lại lí thuyết 5 block được trình bày ở trên. Bài đang có 5 block, ta phá đi 1 block thì tức là một bước lùi. Sau khi đánh 12m bốc 6m hay 8m thì số shanten vẫn như trước khi đánh 12m (dù dĩ nhiên là đẹp hơn).
- 4s: Vừa không bị giảm số block, vừa giữ khả năng cải thiện của 7m, vừa giữ được gió Bắc để thủ về sau. Nhưng không có nghĩa là tốc độ của bài mình không bị ảnh hưởng. Vì khi đánh như vậy ta mất đi các quân 4s và 9s giảm shanten, hay nói cách khác là ta làm yếu block 344s và làm giảm khả năng giảm shanten của nó. Ảnh hưởng đó không chỉ là tức thời, mà hãy tưởng tượng nếu lúc sau ta bốc được đến 1 shanten:
Bài trên: giả sử đánh 4s ban đầu, sau đó bốc được 3m và đánh 7m. Bài dưới: giả sử đánh Pei ban đầu, sau đó bốc được 3m và đánh 7m. Ở đây, so với trường hợp dưới thì trường hợp trên có ít quân đến tenpai hơn, là 2 quân 4s và 2 quân 9s. Đó là vì khi đánh 4s ta đã làm yếu block 344s và vi phạm ý "Tối ưu hóa 5 block" khi bài đang có sẵn 5 block ở trên.
Mặt khác, cũng giống như sự so sánh giữa Pei và 7m ở trên, cũng sẽ có những lúc bài thay đổi một chút thì sẽ dẫn đến việc đánh 12m tốt hơn đánh quân lẻ, hoặc đánh 4s từ 344s trước lại là phương án hợp lí nhất. Ví dụ này được đưa ra để chúng ta hình dung một chút về tính chất của các quân và nhóm quân cũng như sơ lược về ý nghĩa của lí thuyết 5 block. Về bản chất, mỗi nước đi trong mạt chược đều là kết quả của việc so sánh tính chất của các quân khác nhau để đi đến kết luận quân nào tốt nhất mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét