1. Tiêu chuẩn công thủ dựa theo bài mình
Độ nguy hiểm (độ an toàn) của quân cần đánh và sức mạnh của bài mình là 2 yếu tố chính quyết định đến việc mình đẩy hay thủ khi có đối thủ Riichi. Các yếu tố kết hợp với nhau khiến cho việc đưa ra công thức đơn giản là điều không thể. Tuy nhiên tiêu chuẩn cơ bản sẽ là bước đầu tiên để ta học hỏi cũng như tự xây dựng tiêu chuẩn cho riêng mình.
Ở giai đoạn mới chơi, ta có thể theo tiêu chuẩn đơn giản: Tenpai thì đẩy mà chưa Tenpai thì thủ. Thật ra tiêu chuẩn đó cũng bao quát được đa số trường hợp trong thực tế. Nhưng ở đây tôi sẽ mở rộng tiêu chuẩn đó hơn một chút. Thông thường mà nói thì tiêu chuẩn công thủ dựa theo sức mạnh của bài mình có thể như sau:
Đẹp-xấu ở đây là nói về hình dạng, còn to-nhỏ ở đây là nói về giá trị. Chúng ta hãy đi vào phân tích. Xét trường hợp trung gian là bài 1 shanten như sau:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
1 shanten như thế này, nếu không có ai khác Riichi thì có thể nói là đẹp, nhưng khi có người đã Riichi rồi thì sao? Nếu giờ ta đánh 1p thì đương nhiên có thể bị Ron. Lượt sau nếu ta bốc lên tenpai thì sẽ phải đánh 8s, cũng đương nhiên có thể bị Ron. Như vậy tối thiểu chúng ta phải đánh qua 2 quân không bị Ron thì mới đạt tenpai, cân bằng với đối thủ.
Nhưng đó là trường hợp lí tưởng. Giả sử lượt sau ta không bốc lên tenpai mà bốc lên 3s chẳng hạn thì sao? Lúc này ta lại phải đánh 3s hoặc 8s nếu muốn giữ 1 shanten. Lượt sau nữa ta vẫn có thể tiếp tục bốc quân không có ích. Trung bình thì 1 shanten đẹp cũng phải mất đến 4-5 lượt để lên tenpai, khi đó số quân ta phải đánh qua sẽ khá nhiều. Trong thời gian đó đối thủ Ron ta hay Tsumo thì mọi chuyện sẽ kết thúc.
Hãy nhắc lại một lần nữa để khỏi quên. Khi đối thủ Riichi mà ta 1 shanten, ta sẽ cần vượt qua các thử thách sau để tenpai:
- Quân đánh bây giờ phải qua
- Tất cả các quân bốc nếu không đưa bài lên tenpai thì đều phải qua
- Quân đánh khi tenpai phải qua
Còn đối thủ thì có thể Ron ta hoặc Tsumo. Vì vậy nên khi 1 shanten nếu đẩy thì cơ bản là thiệt. Nhưng ta đã biết rằng phòng thủ đã là thiệt rồi, nên ở đây ta sẽ so sánh xem cái nào thiệt hơn. Cân bằng công thủ ở 1 shanten là vấn đề ở đẳng cấp cao và ta sẽ bàn đến ở các bài sau.
Vậy phân tích từ đầu đến giờ làm gì? Để ta thấy là nếu như bài mình kém hơn 1 shanten thì chuyện đuổi kịp đối thủ có thể nói là điều không thể. Nếu bài mình 2 shanten như sau:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Liệu còn cơ hội gì cho bài này? Với bài 1 shanten thì số quân phải qua tối thiểu đã là 2 và trung bình cần 4 5 lượt để lên tenpai. Như vậy đã là tệ rồi nhưng ta cũng có quyền hi vọng sẽ có lúc tenpai sớm và phải đánh ít quân thôi. Nhưng với bài 2 shanten như trên, phải thêm 1 bước nữa mới lên được 1 shanten và 1 bước nữa mới là tenpai, mỗi bước trung bình vài lượt, làm gì có cơ hội nào khi mà đối thủ đã Riichi rồi?
Nếu ở đây Haku là 3s chẳng hạn thì đương nhiên chuyện phải đánh qua 1p, 3s và 8s và tất cả các quân bốc được trước khi đối thủ thắng là siêu tệ hại rồi. Nhưng cho dù ở đây, mới nhìn thì có thể đánh tạm Haku đấy, nhưng đánh Haku rồi thì bài 2 shanten của bạn có cơ hội bắt kịp Riichi của đối thủ không? Sau khi đánh Haku cái bạn nhận được là bài thua kém đối thủ quá xa, như vậy cố đánh Haku là mạo hiểm vô ích. Chuyện đánh Haku này bị Ron, hay là sau đó 1p, 8s bị Ron là chuyện rất bình thường.
Lựa chọn ở đây chỉ có thể là đánh 9s an toàn tuyệt đối mà thôi. 2 shanten cần phải thủ, đó là điều rất cơ bản trong mạt chược Nhật. Số shanten nhiều hơn thì hoàn toàn không có gì để bàn nữa.
Ngoài ra, "1 shanten xấu + nhỏ thì không nên được coi như 1 shanten bình thường", đặc biệt là khi đã có người Riichi. Nếu bài như sau chẳng hạn:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Số shanten của bài mình ở đây là 1 thật nhưng bài này so với ví dụ 1 shanten phía đầu bài thì như thế nào? Nếu 1 shanten đầu bài sau khi đánh 1p sẽ còn 2 nhóm đẹp, và có cơ hội riichi pinfu 1 dora, thì 1 shanten ở đây sau khi đánh 8p sẽ còn toàn nhóm xấu, và giá trị nếu thắng được chỉ là 1000 điểm. Đều là 1 bước nữa lên tenpai nhưng khi còn toàn nhóm xấu thì tốc độ kém hơn nhiều so với khi còn toàn nhóm đẹp, và sẽ khó có thể hi vọng vào việc mình chỉ cần đánh qua 2 quân là tenpai, mà số quân mình cần đánh qua sẽ phải cao hơn, mức thua tốc độ và số quân phải đánh sẽ gần với bài 2 shanten hơn. Phần thưởng mà mình thu lại được khi may mắn thắng cũng chỉ là 1000.
Vì vậy thủ bằng 9s vẫn là phương án hợp lí hơn. Số shanten không phải là tất cả, 1 bước nữa lên tenpai nhưng cũng có lúc bước dễ, có lúc bước khó.
Giờ ta đến với trường hợp thiên về đẩy. Nếu như khi 1 shanten, số quân cần qua ít nhất là 2, và cũng không có gì đảm bảo khi ta đẩy thì sẽ đến được tenpai trong thời gian đủ nhanh, thì khi ta cũng tenpai rồi, cả ta lẫn người Riichi đều đã sẵn sàng thắng.
Nếu ta đang tenpai chờ đẹp thì tức là khả năng thắng của ta lớn hơn hoặc bằng đối thủ, như vậy quyết định đẩy nói chung sẽ có lợi. Nhưng nếu ta tenpai chờ xấu thì khả năng thắng của ta thấp hơn hoặc bằng đối thủ, khả năng thắng của ta thấp hơn so với khi chờ đẹp và số quân nguy hiểm phải đánh trung bình sẽ cao hơn. Lúc này nếu bài ta nhỏ thì sẽ thiệt và ta lại phải xem đẩy thiệt hơn hay thủ thiệt hơn, nếu 1 shanten xấu + nhỏ gần với 2 shanten thì tenpai xấu + nhỏ cũng gần với 1 shanten. Còn nếu bài ta to thì phần thưởng thu được khi đẩy có thể bù lại được những lúc đấu Riichi thua và tệ nhất là bị Ron. Ví dụ:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Tenpai của mình đẹp rồi và giá trị cũng tốt. Không cần phải sợ đánh 6m ở đây, hãy đánh 6m và Riichi.
Nếu bài mình như sau:
Tuy chờ xấu nhưng với 2 dora thì bài đủ to để đẩy. Hãy đánh 5m Riichi. Nếu chỉ có 1 dora thì sẽ khó khăn hơn, vẫn có thể Riichi nhưng cũng cần xem các yếu tố khác vì lúc này bài chưa đủ to. Nếu 0 dora thì sẽ thuộc loại tenpai xấu + nhỏ, không còn thuộc nhóm bài nên công trong tiêu chuẩn nữa.
2. Vai trò của vị trí nhà cái
a. Ta làm cái
Hãy quay lại ví dụ đối thủ Riichi, khi Ron ta thì 5200 điểm, Tsumo thì 2000/3900. Nếu như ta không phải là cái, khi bị Ron sẽ kém người thắng 10400 điểm và 2 người còn lại 5200 điểm; còn khi người ta thắng thì sẽ kém người thắng 9900, không bị tụt với người không phải cái còn lại, và hơn cái 1900 điểm. Rõ ràng để đối thủ Tsumo đỡ hơn hẳn ta bị Ron.
Nhưng khi ta làm cái thì sao? Khi họ Ron ta thì vẫn vậy, nhưng khi họ Tsumo ta thiệt hơn nhiều. Lúc này ta sẽ kém người thắng 11900 điểm và kém 2 người kia 1900 điểm. Chênh lệch so với người thắng còn lớn hơn cả trường hợp họ Ron ta trực tiếp, và ta cũng sẽ bị tụt lại so với 2 người còn lại nữa. Ngược lại nếu ta thắng được thì phần thưởng của ta lớn hơn 50% so với khi ta không phải cái.
Vì vậy khi làm cái tiêu chuẩn thủ của ta sẽ lỏng hơn so với khi không làm cái. Nói chung ta có thể đẩy được mọi tenpai, kể cả chờ xấu và nhỏ cũng không có vấn đề gì. Khi 2 shanten thì tốc độ vẫn thua quá xa nên chuyện ta cần phải thủ cũng không thay đổi, nhưng cũng có thể xem xét một số trường hợp 2 shanten thật sự đẹp và to. Khi 1 shanten thì số trường hợp thiên về đẩy sẽ nhiều lên, 1 shanten đẹp + to có thể nói là thiên về đẩy được rồi.
b. Đối thủ Riichi cái
Lúc này nếu ta bị Ron thì sẽ tụt lại rất nhiều so với cả người thắng lẫn 2 người còn lại. Đẩy cố bài 1 shanten với đối thủ Riichi cái sẽ rất khó khăn. Kể cả tenpai thì cũng chỉ có tenpai đẹp + đủ to mới có thể tự tin đẩy thôi, chỉ đẹp hoặc chỉ to cũng cần phải xem xét.
3. Lượt và sức mạnh thật sự của bài
Cùng là một bài nhưng sức mạnh thật sự của bài đó ở lượt sớm và lượt muộn khác hẳn nhau. Đó là vì bài cần thời gian để tiến lên được 1 bước. 1 shanten ở lượt 4-5 thì cũng vẫn còn hi vọng thắng nhưng ở lượt 10 rồi thì khó mà đủ thời gian để qua được cả 2 bước lên tenpai và thắng.
Ngoài ra bạn cũng đã biết ở bài trước là cùng một quân có thể bị Ron bởi một số kiểu như nhau, đánh quân đó ở lượt sớm và muộn thì xác suất bị Ron cũng khác nhau.
Vì vậy tiêu chuẩn thủ ở lượt muộn phải chặt hơn lượt sớm. Nếu ta tenpai rồi thì không thay đổi nhiều vì ta vẫn ở vị thế có thể thắng được rồi, nhưng cần cẩn thận hơn với tenpai xấu + nhỏ. Nếu 1 shanten thì sẽ khó đẩy hơn hẳn vì sẽ khó đủ thời gian để vừa lên tenpai vừa thắng như vừa nói ở trên.
Quay lại ví dụ ở đầu bài:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Trên thực tế, ngay cả với bài 1 shanten tưởng là đẹp này thì ở lượt 10 đã là cần thủ rồi. Ở lượt 10 thì hi vọng thắng của ta không còn nhiều, hãy cứ nghĩ rằng trung bình 4-5 lượt mới lên được tenpai thì lúc lên được tenpai đã là gần hết ván rồi, vậy thì khả năng thắng là hầu như không có. Nếu tình huống như sau:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Lúc này lượt sớm, hi vọng thắng của ta vẫn còn, và cùng phải đánh 1p nhưng khả năng 1p bị Ron ở đây so với ví dụ ở lượt 10 thấp hơn hẳn, trong ví dụ trên còn 10 suji, ví dụ dưới thì còn tới 15 suji (xem "Đếm suji" ở bài trước). Đánh 1p ở đây hợp lí. (Bạn có thể nhận ra thêm một số lí do khác và ta sẽ còn nói thêm về các lí do đó sau.)
Nếu như lượt muộn hẳn thì lại hơi khác vì lúc đó sắp hoà, ta tenpai là được điểm còn noten thì mất điểm, vấn đề này chưa nằm trong phạm vi bài viết này.
4. Khi có 2 đối thủ Riichi
Với 2 đối thủ Riichi thì chuyện đẩy không chỉ dừng lại ở khó gấp đôi. 2 người Riichi thì khả năng có người thắng sẽ không chỉ gấp đôi so với 1 người Riichi, vì có cả khả năng họ dính lẫn nhau khi không thể thủ được nữa. Như vậy quãng thời gian ta có để đi đến chiến thắng giảm, nếu như đang 1 shanten thì ta phải đến tenpai và thắng kịp trong thời gian ngắn và có thể nói là thời gian ta có thường không đủ. Mỗi quân ta cần phải đánh qua cũng khó khăn hơn rất nhiều khi có 2 Riichi đang chờ sẵn. Nếu họ Ron lẫn nhau thì lúc này ta cũng không mất gì, khác với khi có 1 Riichi thì khả năng họ tsumo hoặc đến ván hoà khiến ta mất điểm cao hơn.
Đẩy bài 1 shanten khi có 2 người Riichi cực kì khó khăn. Khả năng bị Ron cao hơn, khả năng thu được phần thưởng thấp hơn nhiều, đánh một quân dù có vẻ khá an toàn cũng có thể là hành động mạo hiểm vô ích, chỉ có thể xem xét đánh các quân gần như không thể bị Ron mà thôi. 1 shanten đối đầu 2 riichi tệ tương đương hoặc hơn 2 shanten đối đầu 1 riichi.
Kể cả khi tenpai thì cũng phải xem xét trường hợp cụ thể, tuy tenpai rồi thì ta bằng họ nhưng rõ ràng là khả năng thu được phần thưởng của ta khi có 2 đối thủ Riichi kém hơn hẳn so với khi solo 1-1 mà khả năng rủi ro bị Ron cũng cao hơn hẳn, nên cần phải vừa đẹp, vừa đủ to, mà dù như vậy rồi cũng không thể cứ thế mà đánh quân có độ nguy hiểm cao.
Tóm tắt:
- Khi đối thủ Riichi, tenpai đẹp/to thì nên công, 2 shanten thì cần thủ, 1 shanten đẹp/to thì ở giữa. 1 shanten xấu + nhỏ thì gần với 2 shanten và tenpai xấu + nhỏ thì gần với 1 shanten.
- Ta làm cái thì tiêu chuẩn thủ lỏng hơn, đối thủ Riichi cái thì tiêu chuẩn thủ chặt hơn.
- Lượt muộn thì tiêu chuẩn thủ chặt hơn.
- Khi có 2 đối thủ Riichi thì tiêu chuẩn thủ chặt hơn nhiều.
Cân bằng công thủ nói cho cùng là xác định nguy cơ và lợi ích của mỗi phương án. Nếu lợi ích của đẩy không đủ tức là ta chấp nhận nguy cơ một cách vô ích. Mạt chược Nhật không dành cho những người chỉ chăm chăm đến lợi ích mà không nhìn thấy nguy cơ, cũng như chỉ nhìn thấy mỗi nguy cơ mà không dám mạo hiểm để thu về lợi ích lớn. Tuy nhiên trong quá trình học chơi thì thường điều thứ nhất gặp nhiều hơn điều thứ 2, và mục đích chính của bài viết này là chỉ ra được những tình huống cơ bản mà ta có thể nói là lợi ích nhỏ - nguy cơ lớn. Nếu bạn không nhìn nhận được nguy cơ của những tình huống cần thủ cơ bản, thì học kĩ thuật phòng thủ cũng hoàn toàn không có lợi ích gì. Những tình huống giữa giữa, khó khó, chẳng có cách nào khác là trau dồi dần dần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét