Khi xây bài ta đánh quân này trước quân kia, thì khi phòng thủ cũng cần có thứ tự đánh phù hợp để tỉ lệ phòng thủ thành công cao nhất. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu ta luôn luôn có đủ quân an toàn tuyệt đối để phòng thủ, nhưng thực tế việc ta phải lựa chọn đánh thế nào cho an toàn nhất khi không có quân an toàn tuyệt đối xảy ra thường xuyên.
1. Xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất
Đánh quân an toàn nhất thì xác suất bị Ron thấp nhất, đó là điều hết sức hiển nhiên. Đây là quy tắc nền tảng nhất trong kĩ thuật phòng thủ, dù sẽ có những lúc quy tắc này bị vi phạm một chút để ưu tiên quy tắc số 2 sẽ được thảo luận phía sau.
- Ví dụ 1:
Đông 1, dora Nan
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Ví dụ này đã được thảo luận trong bài trước. Tuy nhiên xử lí không chính xác trong tình huống này là một trong những lí do thường gặp nhất ngăn cản bạn tiến được đến trình độ cao hơn, nên tôi nghĩ là vẫn nên nhắc lại một lần.
Với bài 2 shanten ở tầm lượt khá muộn thế này rồi, lựa chọn hợp lí của ta chỉ có thể là phòng thủ. Dù có cố gắng tấn công thì 2 shanten sẽ không thể đuổi kịp người đã riichi, điều này đã được phân tích ở bài trước.
Vậy độ an toàn của các quân trong bài mình như thế nào? Các quân an toàn tuyệt đối trong bài mình là 9s (2 quân) và 2m. Ta hãy đánh các quân này ngay bây giờ.
Hoàn toàn không nên đánh Haku ở đây. Khi đánh Haku bị ron, bạn không thể phẩy tay và nói: "mình đánh quân an toàn rồi mà vẫn bị ron". Một khi bài đã cần phòng thủ, chúng ta phải đánh từ quân an toàn nhất để giảm thiểu tối đa tỉ lệ bị ron, bài mình thế nào không còn quan trọng nữa. Đánh Haku ở đây chỉ làm tăng nguy cơ ta bị Ron mà không đem lại lợi ích gì.
Có rất nhiều lí do có thể khiến bạn đánh Haku ở đây:
- Không biết bài 2 shanten cần thủ và cứ thế đánh Haku là quân lẻ nhất
- Biết bài 2 shanten cần thủ nhưng cố gắng chày cối đánh Haku, "chắc không sao đâu"
- Biết bài 2 shanten cần thủ nhưng nghĩ là đánh Haku đủ an toàn rồi
- Biết bài 2 shanten cần thủ, nhưng bỏ sót các quân an toàn trong bài mình và đánh Haku
- Biết bài 2 shanten cần thủ, biết bài mình có các quân an toàn hơn, biết là đánh Haku có thể bị Ron, nhưng vì lí do nào đấy vẫn đánh - do trước đó đang thua quá nhiều hay thắng liên tục chẳng hạn.
Ở trình độ khác nhau thì kiểu sai lầm ta có thể gặp phải sẽ khác nhau. Bản thân tôi đã lần lượt gặp qua tất cả các kiểu sai lầm này, và tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dám chắc chắn sẽ không bao giờ gặp phải kiểu 4 và kiểu 5 nữa.
Như vậy đã là tệ rồi, tuy nhiên nếu bạn còn sai lầm theo các kiểu 1 2 3 thì là chuyện khác. Bởi vì nếu suy nghĩ như vậy thì tức là lúc nào gặp tình huống như thế này bạn cũng sẽ đánh Haku.
- Ví dụ 2:
Đông 1, dora 9s
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Với bài thế này không còn lựa chọn nào khác ngoài phòng thủ ở đây. Ta không có quân an toàn tuyệt đối, vậy thì giờ phải tìm quân an toàn nhất bài để giảm tỉ lệ bị Ron xuống mức tối thiểu.
Đối thủ đã đánh 5s, 6m nên 2s và 3m là suji, các quân còn lại trong bài thì đều còn có thể bị Ron kiểu ryanmen. Nhưng không phải suji nào cũng như nhau. 2s suji có thể bị ron kiểu kanchan, shanpon, tanki còn 3m suji có thể bị ron kiểu kanchan, penchan, shanpon, tanki (từ giờ trở đi, trừ phi cần thiết còn lại tôi sẽ không viết tanki vào nữa vì cái này hiếm khi xuất hiện). Như vậy rõ ràng 2s an toàn hơn so với 3m. Khi đã phòng thủ, ở đây ta cần phải đánh 2s chứ không thể đánh 3m.
Không nên tự động suy nghĩ "suji = quân an toàn". Suji chỉ có ý nghĩa duy nhất là loại trừ khả năng bị ron kiểu ryanmen mà thôi. Kiểu chờ này hay gặp nhất nên suji nói chung là an toàn hơn các quân còn có thể bị ron kiểu ryanmen, nhưng cuối cùng thì nhiệm vụ của ta là tìm ra quân an toàn nhất, chứ không phải là tìm quân an toàn tuyệt đối => tìm suji => chấm hết. Và sẽ còn tệ hơn nữa nếu như bài bạn có quân an toàn tuyệt đối nhưng bạn lại phản xạ "suji!" và đánh suji trước.
- Ví dụ 3:
Đông 1, dora 9p
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Với bài này ta cũng chỉ phòng thủ, tuy nhiên ta nên đánh gì? Nếu theo ví dụ trên, ta có 2 quân suji là 1m và 8s, có vẻ 1m an toàn hơn, vì 1m còn shanpon còn 8s còn shanpon, kanchan. Tuy nhiên hãy nhìn các quân đối thủ đã đánh. Họ đã đánh 7s từ lượt 3, vậy nếu chờ shanpon tức là đánh 7s từ 788s từ sớm, vô lí. Nếu chờ kanchan thì tức là đánh 7s rồi 5s từ 5779s trước khi riichi (giả sử 5s không phải bốc lên đánh luôn, nếu bốc lên đánh luôn thì tức là đánh 7s từ 779s, rồi bốc 5s lên 579s vẫn đánh 5s). Khả năng xảy ra thì không quá vô lí như đánh 7s từ 788s nhưng rõ ràng là bình thường thì cũng không ai đánh thế. So với 1m suji, nếu đang chờ shanpon thì chỉ đơn giản là họ đang có đôi 1m thôi, không có gì bất hợp lí.
Ví dụ này nâng cao hơn so với 2 ví dụ trước. Nhưng cuối cùng thì ý quan trọng nhất vẫn là xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất. Nếu ở ví dụ 3 này mà đối thủ của bạn toàn người mới chơi thì hãy cứ đánh 1m thôi.
2. Nếu độ an toàn không chênh lệch nhau nhiều, đánh quân mình có nhiều trước dù tỉ lệ bị ron của quân đó có cao hơn một chút vì sẽ làm giảm tổng tỉ lệ bị ron
Ví dụ:
Đông 1, dora 8s
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Quân nào trong bài này có tỉ lệ bị Ron thấp nhất? Rõ ràng là Haku. Nhưng giả sử lượt này bạn đánh Haku, lượt sau bốc lên một quân không an toàn như 3m chẳng hạn, lúc này bạn sẽ làm gì? Ta sẽ phải tìm ra quân an toàn nhất bài, đó là 1m, có thể bị ron kiểu ryanmen nhưng tốt hơn tất cả các quân còn lại trong bài.
Điều đó có ý nghĩa gì? Khi đánh Haku, khả năng rất cao là bạn vẫn sẽ phải đánh 1m. Tức là kiểu gì bạn cũng sẽ phải chịu tỉ lệ bị Ron của cả Haku lẫn 1m. Vậy nếu ta đánh 1m ngay bây giờ luôn thì sao? Lúc này, ta sẽ có thể tiếp tục đánh 1m ở 2 lượt tiếp theo. Sau 3 lượt thì ta hoàn toàn có thể hi vọng có thêm quân an toàn, hoặc là đối thủ đã thắng trong khoảng thời gian này, tóm lại là rất có thể ta không cần phải chịu tỉ lệ bị ron của Haku nữa.
Tỉ lệ bị Ron của Haku so với 1m ở đây có thể nói là không chênh lệch nhau nhiều, thay vì chịu tỉ lệ bị Ron của Haku ở lượt này thì ta có thể chịu 1m trước để hi vọng không phải chịu Haku nữa. Nhưng định nghĩa cụ thể thế nào là không chênh lệch nhau nhiều thì tôi chịu. Giả sử ở đây bộ 111m là 333m chẳng hạn thì không thể có chuyện đánh 3m ở đây mà phải đánh Haku; dù là lượt sau nếu không bốc được quân an toàn thì chắc vẫn phải đánh 3m mà thôi nhưng ta không thể chấp nhận tỉ lệ bị ron của 3m ngay ở đây được, vẫn cần hi vọng bốc quân an toàn hơn ở lượt sau.
Nếu ở đây không phải là bộ 111m mà ta chỉ có đôi 11m thôi thì nói chung vẫn nên đánh 1m trước Haku.
Còn nữa, nếu ở đây thay Haku bằng các quân an toàn hơn thì sao? Quân càng an toàn thì chênh lệch độ nguy hiểm với 1m càng lớn, lúc này ta có đánh 1m nữa không hay đánh quân an toàn hơn? Chẳng hạn, nếu ở đây Haku đã ra bàn 1 thì sao? Nếu thay Haku bằng suji 1-9 thì sao? Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần biết khái niệm suji, kabe là đã biết hết về phòng thủ rồi thì thật sự là nhầm to. Nếu chỉ so sánh độ an toàn của các quân tương đương nhau với số lượng tương đương trong bài mình, kiểu như so sánh các quân 1-9 với nhau, so sánh các suji với nhau thì có lẽ không quá khó, nhưng so sánh quân có ít nhưng an toàn hơn với quân có nhiều nhưng kém an toàn hơn thì phải so thế nào? Chẳng ai có thể trả lời cụ thể hết được.
3. Cùng là quân an toàn, nhưng hãy giữ lại quân an toàn với 2 người còn lại đề phòng họ tiếp tục Riichi
Ví dụ:
Đông 1, dora 1m
Đối thủ cửa Nam:
Bài mình cửa Tây:
Ta cần thủ ở đây, may là có nhiều quân an toàn. Nhưng không phải cứ thấy quân an toàn là đánh. Nếu ta cứ đánh Sha rồi Hatsu, lỡ sau đó nhà cái Riichi tiếp chẳng hạn thì ta còn gì? Ta sẽ không thể nào vui vẻ với chuyện đánh các quân chỉ an toàn với 1 Riichi. Bài đằng nào cũng không có cơ hội, thế thì ta hãy đánh các thứ như 1m, 6m trước, lỡ về sau có thêm người Riichi thì lúc đấy có thể sử dụng Sha, Hatsu để thủ cả 2 Riichi. Nói thì dễ nhưng làm thì không hẳn vậy vì:
- Thường mấy quân rồng gió an toàn với nhiều người lại hay nằm lẻ lẻ dễ nhìn, mấy quân số được xếp gần với các quân số khác lại dễ bị bỏ sót.
- Thường thì rồng gió dễ thủ với nhiều người nên phản xạ đánh quân số an toàn trước, nhưng có những lúc thực ra những quân số đó lại an toàn với 2 người còn lại hơn vì họ đã đánh ra rồi hay quân số đó là suji với họ mà ta không nhìn chẳng hạn.
- Vẫn còn muốn giữ cơ hội thắng.
Nếu như khi xây bài tấn công gần như chỉ cần nhìn bài mình, thì khi phòng thủ cần nhìn cả bài mình lẫn bài đối thủ, và cả bài các đối thủ còn lại mà ta chưa trực tiếp thủ với họ bây giờ nữa.
Tóm lại:
Các quy tắc phòng thủ cơ bản:
- Xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất
- Nếu độ an toàn không chênh lệch nhau nhiều, đánh quân mình có nhiều trước
- Giữ lại quân an toàn với nhiều người
cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa