Ta đã làm quen với dạng 1 shanten 6 block, với dạng này thì nói chung sự lựa chon của ta chỉ là phá đi block nào. Nhưng với số shanten lớn hơn thì ta đứng trước nhiều lựa chọn hơn. Số shanten lớn thì bài đa dạng, trong bài này tôi sẽ tập trung vào 2 nhóm tình huống hay gặp sau:
- Phá 1 block giữ quân lẻ, hay đánh quân lẻ giữ 6 block
- Phá 1 block giữ 5 block đẹp nhất có thể, hay đánh quân từ nhóm 3 quân giữ 6 block
Trong bài này vẫn giả sử là bài đã có sẵn đôi rồi. Lựa chọn phá block dễ dàng được đặt ra khi bài 6 block, đó là vì khi bài 6 block, dù có phá 1 block thì vẫn còn đủ 5, tức là số shanten không tăng, ngược lại với khi có 5 block hoặc ít hơn thì phá block đồng nghĩa với tăng số shanten. Nhưng đương nhiên cái giá phải trả khi phá block luôn là mất khả năng chuyển block đó thành bộ. Ta hãy phân tích xem các yếu tố nào giúp ta đưa ra quyết định.
1. Quân lẻ so với block thừa
Ví dụ:
Bài đang có 6 block. Dĩ nhiên, về mặt tốc độ, quân lẻ loi nhất bài đang là Pei. Nhưng ngoài lựa chọn cứ đơn giản đánh Pei, ta có thể có phương án nào khác không?
Khi bài 6 block xa tenpai, một lựa chọn khác có thể được đặt ra đó là phá 1 block. Giả sử bỏ Pei ra thì trong bài này block nào yếu nhất, chính là 12m. Dĩ nhiên block thì luôn có chức năng giảm số shanten, khi phá block như thế này thì ta mất đi cơ hội lên 1shanten với 3m. Nhưng đổi lại cái ta thu được là gì? Đương nhiên là sức mạnh của quân lẻ, mà ở ví dụ này là khả năng phòng thủ của Pei. Đúng là ta mất cơ hội lên 1 shanten với 3m nhưng số shanten của bài thì vẫn là 2 chứ không bị tăng lên như khi phá block với bài 5 block trở xuống, nếu bốc vào các block khác thì vẫn lên được 1 shanten.
Hơn nữa, khi lên 1 shanten thì ta không thể giữ được block thứ 6, chức năng giảm shanten của 12m sẽ mất ngay khi ta lên 1 shanten.
Bài trên: đánh Pei lượt trước, bốc 7s. Bài dưới: đánh 1m lượt trước, bốc 7s. Lượt trước nếu đánh Pei thì lượt này ta phải đánh 1m hoặc 2m và giữ lại 1 trong 2 quân lúc này đã trở nên khá vô dụng. Nếu lượt trước đánh 1m thì lượt này ta chỉ cần đánh tiếp 2m, vẫn giữ lại được Pei có thể sử dụng để phòng thủ.
Vì các lí do trên nên thật ra cái thiệt của lựa chọn phá block không quá lớn, khác hẳn các trường hợp 5 block hoặc ít hơn. Chúng ta sẽ so sánh sức mạnh của block yếu nhất với sức mạnh của quân lẻ để đưa ra quyết định. Nhưng như ta đã biết, so sánh những thứ không tương đồng thì không thể tuyệt đối và luôn mang màu sắc cá nhân.
Như trong ví dụ trên, ta có thể so sánh như thế nào? Block 12m là block yếu nhất bài, ta chỉ có khả năng giảm số shanten khi bốc 3m. Dĩ nhiên hi sinh tốc độ không phải chuyện dễ dàng. Nhưng nếu block 12m này được sử dụng thì ta cũng sẽ mất đi tanyao, nên lợi ích của block này càng giảm.
Nếu thay 68m bằng một ryanmen như 78m chẳng hạn, tôi nghĩ rằng lựa chọn đánh 12m ở đây là rất rõ ràng. 5 block còn lại đều mạnh và 12m làm mất tanyao. Sức mạnh của block không nằm chỉ ở chính block đó, mà còn ở sức mạnh của các block còn lại nữa.
Nếu thay 68m bằng 89m thì sao? Lúc này đánh 12m hay 89m thì cũng vẫn không có tanyao, giờ thì cả 2 block này đều không còn quá yếu so với các block khác nữa. 2 block này cũng tương đương nhau nên giờ nói phá 1 block thì ta cũng không biết nên phá block nào. Phá block vẫn có cái lợi là giữ được Pei phòng thủ nhưng ở đây khó hi sinh tốc độ hơn nhiều và thường thì ta sẽ đánh Pei.
Khả năng phòng thủ thật sự của Pei ở đây cũng cần được xem xét. Nếu như Pei chưa ra bàn thì chưa chắc sử dụng để phòng thủ đã tốt. Nếu Pei ra bàn 2-3 rồi chẳng hạn, thì rõ ràng đây là quân rất tốt để thủ, sức mạnh sẽ khác hẳn.
Còn có yếu tố gì khác? Bài mình đang không có dora. Nếu sử dụng block 12m, thì khi tenpai sẽ dễ thành Riichi chay. Nếu như bài đang 2 dora chẳng hạn, thì sử dụng block 12m làm mất tanyao cũng không phải điều gì quá nghiêm trọng, hi sinh tốc độ khi bài 2 dora xót hơn khi bài 0 dora rất nhiều.
Còn cả lượt nữa. Nếu lượt sớm thì ta chưa quá cần khả năng phòng thủ lắm. Nhưng nếu dòng 2 rồi thì rất dễ vài lượt nữa sẽ có người Riichi, 1 quân Pei này không chỉ có thể tạo ra khác biệt giữa phòng thủ thành công và không thành công, mà còn có thể tạo ra khác biệt giữa thắng được và không thắng được.
Khi bài đã có sẵn khả năng phòng thủ rồi thì lợi ích đến từ khả năng phòng thủ của 1 quân lẻ cũng giảm đi. Nếu thay bộ 234s bằng ankou rồng hay gió chẳng hạn, thì kèm theo chuyện mất tanyao, khả năng phòng thủ của cả bài mình cũng tốt hơn, không có Pei thì cũng vẫn dễ phòng thủ thành công. Chính 12m cũng có thể có khả năng phòng thủ nếu như 1m hoặc 2m đã an toàn với 2 người chẳng hạn.
Nếu như ta chỉ chơi mạt chược ở tầm bình thường thì có lẽ chẳng có vấn đề gì với việc cứ đánh Pei ở ví dụ ban đầu. Nhưng khi tiến đến tầm trình độ cao hơn, ta không thể không cân nhắc đến chuyện đối thủ chơi chuẩn và đến tầm giữa-cuối dòng 2 sẽ ít nhất có 1 người Riichi. Như đã nói ở ngay bài đầu phần Riichi, sức mạnh của Riichi ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta khi chưa có que Riichi xuất hiện trên bàn, để giảm tỉ lệ bị ron thì ngoài chuyện phòng thủ chuẩn ra thì quyết định đánh ở những tình huống thế này cũng rất quan trọng. Khi bài 5 block hoặc ít hơn thì ta sẽ khó có thể đánh block lùi shanten nhưng khi có 6 block thế này, khi Pei đã ra bàn 1 hoặc hơn thì tôi sẽ đánh 1m để ưu tiên giữ quân an toàn (giả sử không có dữ kiện gì thêm về các đối thủ).
Ở trong ví dụ này thì ta so sánh khả năng giảm shanten của block yếu nhất với khả năng phòng thủ của quân an toàn. Cũng có những tình huống khác quân an toàn có chức năng cải thiện hình dạng, giá trị, thậm chí có nhiều hơn 1 chức năng. Với số shanten lớn hơn nữa thì ta cũng có nhiều hơn 1 quân lẻ, lại càng có nhiều thứ để đem so sánh.
Vậy tóm lại ta có các yếu tố sau để cân nhắc:
- Vai trò của quân lẻ. Thể hiện ở khả năng cải thiện hình dạng, cải thiện giá trị, và phòng thủ. Khi quân có các khả năng trên thì còn phải xác định bài mình có cần đến khả năng đó nhiều không? Chẳng hạn như hình dạng bài mình đủ đẹp chưa với quân cải thiện hình dạng, bài mình đủ to chưa với quân cải thiện giá trị, bài mình có tài nguyên phòng thủ đủ chưa với quân có khả năng phòng thủ, và hiện tại đang là lượt mấy, còn đủ thời gian cải thiện không và đã sắp đến giai đoạn có người tenpai để ta chuẩn bị thủ chưa.
- Vai trò của block yếu nhất. Block yếu nhất bài là gì và vai trò của block đó với bài mình là gì? Nếu không xác định được block yếu nhất hay nói cách khác bài nhiều block yếu tương đương nhau thì tức là khó phá 1 trong các block đó. Nếu block yếu nhất nhưng vẫn giúp ích cho bài thì cũng khó đánh, nhưng nếu việc chuyển block đó thành bộ làm giảm giá trị bài và/hoặc khiến cho bài nhỏ thì block đó yếu và dễ phá hơn.
Ta hãy xem thêm một số ví dụ:
1.
Theo quy tắc đếm block được nêu ở bài trước thì 2445s là 2 block, đây là bài 6 block. Về mặt tốc độ bình thường thì có thể đánh Hatsu hay Chun là tốt nhất. Tuy nhiên với bài 6 block thì ta cần so sánh xem phương án phá block liệu có hay hơn không.
Ta thấy các block yếu trong bài này là 12p và 24s. Giờ nếu ta đánh 1p thì sao? Bài sẽ vẫn còn đủ 5 block nên số shanten không tăng. Sau đó nếu ta bốc được thêm Hatsu hoặc Chun thì sao? Giả sử bốc Hatsu, ta tiếp tục đánh 2p và lúc này ta có thể thấy rằng bài mình có 5 block sử dụng được cho honitsu, nếu honitsu + 2 yakuhai là mangan mở, hoặc honitsu + 1 yakuhai vẫn là 3900, ta có thể dễ dàng pon yakuhai cũng như chii 3s, có thể gọi các quân sou khác nữa tuỳ tình huống. Nếu ta giữ block 12p thì có thể bốc 3p thật đấy nhưng so sánh bài khi đó với bài có cơ hội mangan thì rõ ràng giá trị giảm nhiều. Đánh Hatsu hoặc Chun sẽ đều làm mất khả năng bốc được thêm và cũng làm mất khả năng phòng thủ của các quân này, cả Hatsu và Chun đều có khả năng cải thiện giá trị lẫn khả năng phòng thủ. Bài chúng ta hiện tại rõ ràng cần giá trị đó, nếu vẫn giữ 6 block thì rất dễ dẫn đến riichi chay chờ xấu hoặc là khi gọi Haku thì bài xấu 1000 điểm. Ta quan tâm đến khả năng mangan và tránh khả năng riichi chờ xấu từ khi còn xa tenpai. Ngoài ra bốc thêm 2p làm đôi thì cũng có thể theo hướng tanyao.
Có thể nói thêm nhiều điều về honitsu nữa nhưng đây là một trong những trường hợp cơ bản của việc áp dụng yaku này. Bài 6 block thì có thể đánh block yếu nhất, giữ lại các quân rồng gió để khi bốc được thêm thì đủ 5 block cho honitsu và có khả năng gọi để lấy bài to. Nếu Hatsu, Chun ở đây là gió khách thì ta vẫn có thể đánh 12p. Nếu dora là 4s chẳng hạn thì ta hãy đánh Hatsu hoặc Chun như bình thường, vì lúc này giá trị bài cũng ổn rồi.
2.
Bài 6 block, tôi cho rằng đánh 1m ở đây là hợp lí nhất. Nếu sử dụng block 13m thì bài sẽ thành riichi chay chờ xấu. Hatsu dora khó sử dụng nhưng nếu bốc được thêm thì ta sẽ có cơ hội mangan. Đánh 1m thì bài cũng vẫn còn 5 block và ta cũng có khả năng tanyao với 5 block này.
Đánh Hatsu dora muộn có thể bị trừng phạt, nhưng ta phải xem bài mình có cần đến yakuhai dora không. Ở đây thì cần, vì đánh Hatsu sử dụng 6 block ở đây dễ dàng dẫn đến riichi chay chờ xấu, ta hãy chấp nhận nguy cơ của việc giữ Hatsu muộn, và thật ra bài mình xấu rồi, không bốc được thêm Hatsu thì về sau giữ hẳn không đánh luôn và về thủ cũng không có gì đáng tiếc. Nếu bài như sau:
Thì ở đây, hướng đến riichi với các block hiện tại đã đủ giá trị rồi, ở lượt sớm khả năng đối thủ pon được Hatsu dora này còn thấp thì hãy đánh Hatsu luôn. Hatsu dora lẻ khó sử dụng nên khi bài đủ giá trị rồi thì không cần nắm lấy khả năng sử dụng nhỏ đó nữa. Khác với khi bài 0 dora như ở trên, nếu không có Hatsu thì sẽ không có giá trị. Bài có giá trị rồi thì nếu giữ muộn, đến lúc tenpai hoặc gần tenpai ta cần phải đánh thì có thể sẽ là quá muộn.
3.
Ở đây nếu giữ 6 block thì đánh 3 hoặc 6s nhưng có lẽ bạn cũng cảm thấy đánh thế sai sai nhỉ? Nếu yakuhai dora là quân lẻ khó sử dụng thì 4renkei 3456s hay nakabukure là quân lẻ dễ sử dụng hơn nhiều. Ta cứ đánh 1m để giữ lấy cơ hội tanyao và dễ pinfu hơn. Ở đây có 1 dora đỏ thì đánh 1m vẫn lợi hơn hẳn, dù có 2 dora đỏ rồi thì tôi nghĩ đánh 1m vẫn hợp lí hơn, quân lẻ 4renkei ở đây vẫn có khả năng cải thiện hình dạng tốt kèm với khả năng cải thiện giá trị khi thêm tanyao và khả năng nhỏ thêm sanshoku.
Nếu bài như sau:
Ở đây vẫn nên đánh 1m chứ không phải là 7s. Nếu sử dụng block 13m thì bài nhỏ, ta cần tiềm năng tanyao, sanshoku của 7s. Nếu có 2 dora chẳng hạn thì dễ đánh 7s hơn, bốc được 2m thì đánh 35p là bài đẹp giá trị tốt rồi, không nhất thiết phải sử dụng 7s thì bài mới to. Nếu 1 dora thì hơi khó quyết định, đánh 7s bốc 2m bài sẽ hướng đến pinfu 1 dora đủ tốt nhưng đó chỉ là 1 loại quân, mà hoàn thành bài với 5 block còn lại hay bốc các quân liên quan đến 7s thì có thể có tanyao sanshoku, khả năng lên mangan sẽ khá lớn.
So sánh block yếu nhất với quân lẻ khi bài 6 block là một vấn đề khó nhằn, nhưng thực hiện được thì kết quả của bạn sẽ tốt lên nhiều. Giá trị bài trung bình cũng như tỉ lệ phòng thủ thành công của bạn sẽ đều tăng, nhưng coi chừng lạm dụng phá block nhiều quá thì lại giảm tỉ lệ thắng nhiều.
2. 1 shanten peak
Khi 1 shanten thì tiến thêm 1 bước nữa là tenpai, lúc này ta có thể thắng. Nhưng khi 2 shanten, tiến thêm 1 bước nữa mới là 1 shanten, lúc này ta chưa thể thắng và phải lên tenpai mới thắng được. Từ 1 shanten lên tenpai cũng khó hơn hẳn từ 2 shanten lên 1 shanten.
Vì vậy khi 2 shanten, trong đa số trường hợp, thay vì đánh thế nào để dễ lên 1 shanten nhất, ta sẽ đánh làm sao để khi lên 1 shanten thì 1 shanten đó có khả năng lên tenpai tốt nhất. Cách đánh như vậy được gọi là "1 shanten peak" (tiếng Nhật dùng đúng từ này chứ đây không phải là dịch). Khi bài 6 block thì vấn đề thường gặp nhất của lí thuyết 1 shanten peak, đó là đánh block yếu nhất (áp dụng 1 shanten peak) hay là đánh 1 quân từ block 3 quân để giữ cả 6 block, tăng tối đa số quân lên 1 shanten.
Ví dụ:
Ta nên đánh gì ở đây? Bạn có lẽ sẽ nghĩ đến 1 trong các phương án sau:
- Đánh 1m hoặc 3m thì ta sẽ mất 4 quân 2m có ích, còn lại 5 block, lúc này 5 block còn lại trông khá đẹp, ta còn lại 3 đôi.
- Đánh 4p chốt ryanmen 34p từ nhóm 3 quân thì ta sẽ chỉ mất 2 quân 4p thôi, nhưng lúc này số block sẽ vẫn là 6.
- Đánh 2s thì cũng chỉ mất 2 quân 2s và cũng còn lại 5 block. Khác biệt so với đánh 13m là ta còn lại 2 đôi.
Hãy so sánh các phương án này. So với đánh 13m thì khi đánh 4p, số quân để lên 1 shanten sẽ nhiều hơn 2. Tuy nhiên, đánh 4p thì tức là giữ lại 6 block. Khi 1 shanten thì không thể giữ lại cả 6 block và phải phá đi 1. Lúc này mới phá block thì 1 shanten này sẽ yếu hơn so với 1 shanten có được khi phá block từ bước 2 shanten.
Bài trên: Sau khi đánh 1m bốc hoặc pon được Haku, ta chỉ cần đánh tiếp 3m và có bài 1 shanten hoàn hảo. Bài dưới: Sau khi đánh 4p bốc hoặc gọi được Haku, ta cần đánh 1m hoặc 3m, dù đánh gì cũng sẽ thừa ra 1 quân không giúp ích gì, và mất khả năng bốc hoặc pon được 4p 2s so với bài trên.
Ngoài ra, bài 6 block thì khó giữ quân an toàn hơn là 5 block. Giả sử lượt sau bạn bốc được quân an toàn:
Với bài trên, bốc được quân an toàn thì đơn giản là ta đánh tiếp 3m giữ lại quân an toàn. Với bài dưới, ta đã đánh 4p để ưu tiên số quân lên 1 shanten, giờ muốn tiếp tục giữ số quân lên 1 shanten đó thì chỉ có thể đánh tiếp quân an toàn mà thôi.
Đánh 2s thì sao? 22s cũng chỉ mất 2 quân 2s và vẫn giữ 5 block, nhưng vì bài có đôi Haku nên nói chung 13m yếu hơn 22s. Ta đã biết ở phần 1 shanten rằng khi có đôi yakuhai thì đôi thứ 3 mạnh hơn kanchan, penchan. Ở đây 2 shanten vẫn tương tự như vậy, đánh 1m hoặc 3m giữ 3 đôi sẽ làm cho bài 1 shanten thu được sau khi pon hoặc bốc được Haku mạnh hơn hẳn so với 1 shanten thu được khi đánh 2s:
Rõ ràng là bài trên sau khi đánh tiếp 3m tốt hơn bài dưới sau khi đánh tiếp 2s. Hoặc là sau khi bốc 25p, 4p thì 1 shanten khi trước đó đánh 13m sẽ mạnh hơn so với 1 shanten khi trước đó đánh 2s:
Bài trên, sau khi đánh 13m và chuyển 344p thành bộ, ta được bài 1 shanten có 2 đôi. Bài dưới, sau khi đánh 2s và chuyển 344p thành bộ, ta được bài 1 shanten chỉ còn 1 đôi yakuhai, sẽ không chuyển được đôi yakuhai thành bộ nữa, thiệt hơn rất nhiều.
Đánh 13m thiệt hơn 2s về số quân lên tenpai, cụ thể là 2 quân, nhưng trừ chính 2m, thì với tất cả các quân lên 1 shanten còn lại, nếu đánh 13m sẽ có 1 shanten tốt hơn so với khi đánh 2s. Hãy ghi nhớ thêm một lần nữa, khi có đôi yakuhai thì đôi thứ 3 mạnh hơn penchan, kanchan.
Vì vậy, theo quy tắc 1 shanten peak, ta sẽ đánh 13m để 1 shanten của chúng ta tốt nhất. Qua ví dụ này ta thấy cần làm rõ 2 vấn đề, đó là:
- So sánh phá 1 block giữ 5 block với đánh quân từ nhóm 3 quân giữ 6 block. Thường giữ 5 block sẽ mang lại 1 shanten mạnh hơn.
- Xác định block yếu nhất nếu muốn đánh 1 block. Đó không hẳn chỉ là block yếu nhất cho mục đích giảm shanten, mà còn là block mang lại 1 shanten yếu hơn so với block khác nữa.
Giữ 5 block sẽ đem lại 1 shanten đẹp hơn, cùng với khả năng giữ quân an toàn nếu bốc được. Về cơ bản thì phá 1 block về 5 block sẽ tốt hơn là giữ 6 block. Vậy phương án giữ 6 block có thể có lợi hơn khi nào? Hãy phân tích thêm một số ví dụ.
1.
Thay 67m bằng 79m. Lúc trước rõ ràng 13m là block yếu nhất, nhưng giờ ta có 2 block yếu như nhau. Đánh nhóm nào thì bốc được quân có ích của nhóm đó cũng tiếc. Nếu như đánh 4p bây giờ, ta giữ được cả 2 nhóm trên, bốc được vào nhóm nào thì đánh nhóm còn lại, còn bốc được vào nhóm khác thì trên bàn lúc này có thể xuất hiện thêm dữ kiện để ta thiên về phá 1 trong 2 nhóm. Khi có 2 block yếu như nhau, cách đánh giữ 6 block giúp ta gác lại chuyện phải lựa chọn đánh 1 trong 2 block đó ngay bây giờ.
Tuy nhiên giữ 5 block thì chuyện 1 shanten mạnh hơn và khả năng giữ quân an toàn không thay đổi. Còn một khả năng nữa lúc trước chưa đề cập đó là khả năng tăng sức mạnh của 1 trong các block 2 quân còn lại để có 2 shanten đẹp hơn. Ví dụ như ta đánh 1m, lúc sau bốc được 7m 9m 1s 3s 4s hoặc là quân an toàn thì dễ dàng đánh tiếp 3m.
Vì vậy cơ bản ta vẫn sẽ đánh 1 trong 2 block 13m hoặc 79m. Nhưng mức độ rõ ràng ở đây không được như đánh 13m trong ví dụ ban đầu. Nếu bài như sau:
(Đông 1, cửa Tây)
Thay đôi Haku bằng đôi gió khách thì sẽ đem lại thay đổi thế nào? Với đôi Haku, ta mong muốn có thể bốc thêm hoặc Pon được để tạo bộ yakuhai. Nhưng với đôi gió khách, ta không làm được như vậy. Không có đôi yakuhai thì cái lợi của giữ 3 đôi giảm, lúc này có vẻ đôi Pei thành block yếu nhất bài về mặt tốc độ rồi.
Nhưng đôi Pei lại có khả năng phòng thủ, nếu giờ ta đánh Pei thì có vẻ sẽ gặp khó khăn nếu đối thủ riichi sau khi ta đánh hết đôi Pei. Để giữ khả năng phòng thủ này mà lại muốn phá 1 block thì ta lại phải đánh 1 trong các block mạnh hơn về mặt tốc độ, đó là đôi 2s hoặc một trong 2 kanchan 13m, 79m. Lúc này ta còn 5 block nhưng trong 5 block đó thì đôi Pei đã là 1 block, khi cần phải sử dụng để thủ thì sẽ phá bài.
Còn phương án nào khác? Chính là đánh 4p. Khi đánh 4p thì ta có bài 6 block, nhưng cũng có nghĩa là ta có thể sử dụng 5 block quân số để hướng đến tenpai, lúc sau đối thủ riichi thì ta đánh đôi Pei, vẫn giữ được bài và hi vọng chiến thắng. Kèm theo đó ta cũng hoãn được chuyện phải chọn đánh 1 trong các block bây giờ. Có thể hiểu bài sau khi đánh 4p vừa là bài 6 block vừa là bài 5 block + 2 quân an toàn. Ví dụ gốc với đôi Haku thì ta muốn Haku là một phần của bài mình, còn khi thay bằng đôi gió khách thì block thứ 6 có thể tách ra riêng để phòng thủ. Bình thường khả năng giữ quân an toàn của bài 5 block tốt hơn 6 block nhưng ở đây trong 6 block ta có hẳn 1 block quân an toàn rồi, bốc thêm quân an toàn mới không giữ được thì cũng không sao.
Cái lợi của từng phương án sẽ thay đổi theo tình huống. Ví dụ với đôi Haku mà bạn không có kì vọng Pon hay bốc thêm, muốn dùng làm quân phòng thủ hơn và muốn hoàn thành bài với 5 block còn lại hơn kiểu muốn bốc bằng được 2m, 8m để Riichi pinfu 1 dora chẳng hạn, thì cũng có thể sử dụng phương án đánh 4p. Hay với bài dưới bạn cũng có thể đánh Pei tối ưu hoá khả năng tấn công, không quan tâm đến khả năng phòng thủ; cũng có thể đánh 2s hoặc 1 trong 2 kanchan nếu có thêm yếu tố khác khiến 1 trong các nhóm đó yếu đi, bạn muốn giữ 5 block mạnh trong đó có 1 block quân an toàn và khi đối thủ riichi thì bạn không ngại phá bài. Hay là nếu 3p là dora thì xu hướng đánh 4p chốt ryanmen có dora sẽ tăng lên trong cả 2 tình huống chẳng hạn.
2.
Bài có thể có pinfu. Nếu theo 1 shanten peak thì ta sẽ phá đi 1 block, ở đây là 1 trong 3 ryanmen, bạn có thể cảm thấy phá ryanmen nào cũng tiếc. Nếu theo hướng 6 block thì ta sẽ đánh 4p, tạm thời giữ cả 3 ryanmen, có vẻ dễ dàng lựa chọn hơn nhỉ?
Dù là trong tình huống này thì về mặt cơ bản 5 block vẫn tốt hơn là 6 block, ta nên lựa chọn đánh 1 trong 3 ryanmen ở đây. Nhưng phương án 6 block ở đây có thêm một cái lợi là 100% khi tenpai sẽ pinfu. Thông thường ta ưu tiên sức mạnh của 1 shanten và khả năng giữ quân an toàn của cách đánh 1 shanten peak hơn, nhưng trong trường hợp bạn cần thêm giá trị của pinfu, hay khi 3p là dora chẳng hạn, thì hãy chuyển sang phương án đánh 4p.
Nếu bài như sau:
Nói chung khi 2 shanten 6 block kiểu này nếu bạn thấy không chắc chắn thì cứ đánh theo kiểu 5 block, đánh như vậy không quá sai được. Tức là đánh Haku ở đây. Nhưng với bài này đánh 4p thì sao? Lúc này 5 block quân số chắc chắn tạo được pinfu, nhưng bốc được Haku cũng lại rất tốt. Ngoài ra với 6 block thì cũng có thể sử dụng được đôi Haku để phòng thủ mà không bị phá bài. Đánh Haku tạo được 1 shanten tốt nhất cho riichi nhưng đánh 4p thì khả năng có pinfu hoặc bộ Haku cao hơn, có thể pon Haku nếu cần và giữ được đôi Haku có thể dùng để thủ. Nếu bạn thấy các cái lợi của phương án 6 block trong tình huống nhất định là cần thiết hơn thì có thể đánh 4p.
Tóm lại, thông thường ta nên ưu tiên sức mạnh của 1 shanten nhiều hơn là số quân giảm shanten khi bài đang 2 shanten trở lên. Với bài 6 block thì điều đó thường đồng nghĩa với việc phá 1 block yếu nhất đưa bài về 5 block thay vì giữ 6 block. Các ví dụ tôi nói đến ở đây có bàn về phương án giữ 6 block chỉ là thiểu số, còn đa số sẽ giống như ví dụ ở đầu phần này, ta hãy đánh block yếu nhất, nhắm đến 1 shanten mạnh nhất.
3. Block 2 quân tăng/giảm sức mạnh khi gần các nhóm quân khác
Khi nhóm 2 quân ở gần các nhóm quân khác thì sức mạnh của nhóm đó sẽ thay đổi. Ta nhắc đi nhắc lại về vấn đề block yếu nhất trong 6 block thì cũng có nghĩa là ta cần xác định đúng sức mạnh của các block. Nếu cho thời gian thì có lẽ ai cũng sẽ phân tích được hết nhưng trong trận đấu có 10 giây suy nghĩ, nếu không có sẵn kha khá kiến thức trong đầu thì có thể không phản xạ kịp. Hãy lưu ý rằng phần này áp dụng trong bài 6 block là một chuyện, khi sang bài 5 block hay thấp hơn thì chưa chắc đã đúng vì lúc đó không dễ phá block như bài 6 block.
- Nhóm 4 quân dạng 2 block, có thể dễ dàng đánh 1 quân đưa về 1 block: 6889, 8899, 1334, 3556, 1335, 1133, 1355, 1344, 4689, 3568, 2468, 5566. Rất có thể tôi liệt kê thiếu và bạn có thể tự liệt kê thêm. Khi bài có 4 hay 5 block thì là chuyện khác nhưng khi bài có 6 block thì block yếu nhất sẽ rất dễ nằm ở đây và ta dễ dàng đánh đi 1 quân để đưa về 1 block. Nhưng sức mạnh thực tế của block yếu trong mỗi dạng nhóm này đương nhiên là khác nhau rồi, và trong mỗi tình huống cụ thể phá block từ quân nào cũng có thể là vấn đề, chẳng hạn với 1335 ta đánh 1, 3 hay 5. Với mỗi nhóm này thậm chí có thể viết hẳn một bài ngắn để giải thích rồi. Chú ý đừng lạm dụng với nhóm 5566. Đúng là trùng quân có ích thật, nhưng ta ưu tiên tenpai chờ đẹp cũng như 1 shanten dẫn tới tenpai chờ đẹp, vì vậy 56 trong này tuy yếu hơn ryanmen khác nhưng về cơ bản vẫn mạnh hơn các nhóm 2 quân xấu.
Ta có thể chia các nhóm quân trên thành một số loại nhỏ hơn:
+ Khi đánh 1 quân thì không bị mất quân có ích nào. Ví dụ 6889, 6899, 4689, 4679, 3556. Lúc thừa block ta rất dễ đánh 1 quân từ đây.
+ Khi đánh 1 quân thì mất 2 quân có ích, là các nhóm dạng 2 đôi như 8899, 3355. Về mặt hình dạng thì ta cũng hay đánh 1 quân từ nhóm này trước các nhóm xấu khác, nhưng khi ta cần giá trị thì nhóm kiểu này mang lại tiềm năng iipeikou. 5566 là ngoại lệ như đã nói ở trên.
+ Khi đánh 1 quân thì mất 4 quân có ích, ví dụ 1335, 1355, 2468. Chẳng hạn 1335 thì đánh 5 mất 4 quân 4, đánh 1 mất 4 quân 2, đánh 3 mất 2 quân 3 và 2 quân của đôi có sẵn trong bài. Đánh quân từ nhóm này khó hơn từ 2 loại nhóm trên và ta cũng thường phải đối mặt với câu hỏi đánh từ quân nào trước.
- 2 block trùng quân có ích: 2356, 2467, 2478, 2479, 2457. Khi block này trùng quân có ích với block khác thì 2 block đều bị giảm sức mạnh, dĩ nhiên là bao gồm các trường hợp ở gạch đầu dòng phía trên nữa nhưng không kể lặp lại ở đây. 2356 trùng quân có ích là 4 nên yếu hơn các ryanmen khác. 2467 không trực tiếp trùng quân có ích nhưng khi bốc 5 thì không cải thiện được 24, nên 24 trong này yếu hơn kanchan bình thường. 2478 không trực tiếp trùng quân có ích nhưng khi bốc 5 dù vẫn cải thiện được 24 nhưng tạo thành 45 trùng quân có ích với 78, và bốc 6 thì không tạo được ryankan 246, nên 24 ở đây yếu hơn kanchan bình thường, nhưng mạnh hơn 2467. 2479 khi bốc 5 chỉ cải thiện được 24 mà không tạo được 579, bốc 6 chỉ cải thiện được 79 mà không tạo được 246. 2467 < 2478 < 2479 < 24.
- Block gần bộ 3 quân liên tiếp tăng sức mạnh: 13345, 13567, 13678, 13456. 13345 có thể bốc 6 để tạo kanchan đôi, nếu bốc 5 vẫn tạo ryankan nhưng có thể iipeikou. 13567 có thể bốc 4 để chờ 3 mặt. 13678 khi bốc 5 vẫn tạo ryankan nhưng đó là 135678 có thể tiếp tục lên ryanmen với 6 7 9, nhưng rõ ràng yếu hơn 2 nhóm trước. 13456 là trường hợp mạnh nhất vì trong nhóm này có 4 quân liên tiếp. Bốc 4 5 7 đều lên ryanmen hoặc tốt hơn, khả năng lên ryanmen tốt hơn cả kanchan số giữa. Bốc 6 được 134566 giống kanchan đôi. Bốc 8 được 134568 giống ryankan, còn gọi là ryankan dài. Kanchan đi liền với bộ 3 quân liên tiếp sẽ mạnh hơn hẳn các kanchan khác.
Đương nhiên liệt kê hết các trường hợp ra đây rất khó, và cũng rất khó nhớ. Khi gặp tình huống trong trận mà bạn không chắc, lúc sau hãy ngồi xem lại và liệt kê để lần sau khi gặp lại thì may ra sẽ nhớ và xử lí được đúng.
Tóm lại:
- Khi thừa block và có quân lẻ cần so sánh sức mạnh của block yếu nhất với sức mạnh của quân lẻ.
- 1 shanten peak là cách đánh sao cho khi lên được 1 shanten thì 1 shanten có khả năng lên tenpai tốt nhất, thay vì chỉ ưu tiên số quân giảm shanten ngay bây giờ. Với bài 6 block thì điều đó đồng nghĩa với phá block yếu nhất, thay vì đánh 1 quân từ nhóm 3 quân để giữ 6 block.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét